Thịt được chia thành hai nhóm cơ bản là thịt đỏ và thịt trắng. Cả hai đều là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng. Vậy loại thịt nào tốt cho sức khỏe hơn và cần lưu ý gì khi sử dụng?
Phân biệt giữa thịt đỏ và thịt trắng
– Hàm lượng myoglobin: Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) myoglobin là loại protein trong mô cơ, liên kết cùng oxy và tạo ra năng lượng. Tùy thuộc vào hàm lượng myoglobin mà sắc đỏ của thịt cũng sẽ được quy định.
Do đó, thịt đỏ sẽ chứa nhiều myoglobin hơn thịt trắng.
– Màu sắc: Từ lượng myoglobin, các loại thịt được chia thành hai nhóm là thịt đỏ và thịt trắng. Gam màu đỏ trải dài từ đỏ anh đào, hồng nhạt cho đến đỏ tối. Và khi nấu, thịt đỏ sẽ không bị đổi màu, trong khi thịt trắng sẽ chuyển dần sang màu trắng cho đến lúc chín.
Thịt đỏ và thịt trắng đều là những sản phẩm giàu giá trị dinh dưỡng (Ảnh: Istock).
Từ đó, có thể xếp thịt trâu, thịt bò, thịt cừu, thịt heo, thịt bê… vào nhóm thịt đỏ. Các loại thịt còn lại như gà, vịt, ngỗng, cá… được cho vào nhóm thịt trắng.
Giá trị dinh dưỡng của thịt đỏ và thịt trắng
– Cung cấp chất đạm: Dù có khác biệt về màu sắc nhưng lượng đạm từ cả hai loại thịt đều không chênh lệch nhiều. Chất đạm khi bổ sung vào cơ thể sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, liên tục tái tạo máu mới.
Đối với trẻ thường xuyên tập luyện thể thao, việc hấp thu nhiều đạm còn giúp kích thích sự phát triển của cơ bắp, tốt cho sức khỏe.
– Bổ sung chất béo và các vitamin: Nhìn chung, thịt đỏ vẫn chứa nhiều dinh dưỡng hơn so với thịt trắng. Trong 100g thịt bò có đến 217 kcal, 11,8g chất béo, cao hơn so với thịt gà chỉ 167 kcal và 6,6g chất béo.
Do đó, ngoài đạm, thịt đỏ còn cung cấp năng lượng cho cơ thể và các chất vitamin nhóm B, khoáng chất, chất chống oxy hóa cùng dưỡng chất tốt cho sức khỏe.
Ăn nhiều thịt đỏ ảnh hưởng đến sức khỏe
Mặc dù thịt đỏ cung cấp nhiều calo và hàm lượng một vài chất dinh dưỡng vượt trội, nhưng việc lạm dụng sử dụng thịt đỏ trong thực đơn hằng ngày có thể mang đến một vài nguy cơ sức khỏe.
– Dư đạm: Đạm động vật luôn nhiều hơn so với đạm thực vật. Bởi thế, cơ thể hấp thụ quá nhiều thịt đỏ trong thời gian dài sẽ tạo nên gánh nặng cho thận khi đào thải lượng đạm dư thừa.
– Làm tăng lượng cholesterol: Trong 100g thịt đỏ có chứa đến khoảng 90mg cholesterol. Mặc dù đây là chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trưởng của trẻ nhưng để duy trì một sức khỏe ổn định và lâu dài, lượng cholesterol chỉ nên ở mức cho phép, không nên nạp quá nhiều sẽ gây ra nhiều hại hơn là lợi.
Những lưu ý khi sử dụng thịt đỏ
Quỹ phòng chống ung thư quốc tế và Viện nghiên cứu ung thư Hoa kỳ đã đưa ra khuyến nghị như sau:
Nên tiêu thụ không quá ba lần thịt đỏ mỗi tuần, tổng lượng thịt đỏ trong một tuần vào khoảng 350- 500g sau chế biến (tương đương tối đa khoảng 700g thịt sống và không bao gồm trọng lượng của xương). Nếu tính theo ngày thì lượng thịt đỏ không nên vượt quá 70g/ngày (thịt đã chế biến chín), tương đương khoảng 100g/ngày thịt sống không bao gồm phần xương.
Ngoài ra, nên sử dụng thịt nạc, tăng cường sử dụng thịt gia cầm, cá, trứng, sữa là những thực phẩm để thay thế thịt đỏ trong bữa ăn hàng ngày nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu về protein và vi khoáng chất.