Người đàn ông hoang mang khi chỉ số acid uric tăng đột biến mà chưa có triệu chứng gout

GiadinhNet – Theo các bác sĩ, những người có acid uric máu cao, dù chưa bị bệnh nhưng cũng không được chủ quan mà cần theo dõi chặt chẽ chỉ số acid uric của mình và chủ động tầm soát những bệnh lý chuyển hóa khác có liên quan.

Acid uric tăng cao không hẳn là bị gout

Mới đây, anh T.L (34 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) đi khám sức khỏe tổng quát tại một bệnh viện tư trên địa bàn Hà Nội. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, định lượng acid uric trong máu của anh tăng khá cao là 893 micromol/lít trong khi bình thường lượng acid uric trong máu được giữ ổn định ở nồng độ dưới 7,0 mg/dl (420 micromol/lít).

Theo chia sẻ của anh L, bản thân anh không thấy có dấu hiệu bất thường nào, nhất là không có triệu chứng sưng đau các khớp. Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, anh L bị , cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày.

Anh L lên mạng tìm hiểu được biết, tăng acid uric trong máu là 1 trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh gout. Dù hiện tại chưa có kết luận anh bị gout, tuy nhiên, do chỉ số acid uric trong máu tăng khá cao cũng khiến anh L vô cùng lo lắng.

Làm gì khi khám sức khỏe thấy acid uric trong máu 'cao vọt'? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Liên quan đến trường hợp của anh L, trao đổi với PV, BSCKII Nguyễn Duy Hẳn, nguyên bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 nhấn mạnh: “Nhiều người cho rằng cứ acid uric tăng cao là bị gout, điều này là không chính xác”.

Gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hoá, gây ra bởi tình trạng lắng đọng các tinh thể urat ở các mô của cơ thể (nhất là các khớp bàn chân, ngón chân) do tăng acid uric trong máu. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai tăng acid uric máu đều bị bệnh gout.

Theo BS Nguyễn Duy Hẳn, nếu định lượng acid uric tăng cao (cao hơn 420 micromol/lít) kèm theo các triệu chứng sưng đau, nóng đỏ ở bàn chân, cổ chân và ngón chân cái hoặc đau đột ngột sau khi ăn nhiều nội tạng, hải sản… thì đó mới là yếu tố để chẩn đoán bệnh gout. Khi đó, người bệnh nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa cơ, xương khớp để được chẩn đoán chính xác có mắc gout hay không.

Còn trong trường hợp chỉ số acid uric tăng cao nhưng không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, đó không hẳn là bị gout mà là bị rối loạn chuyển hóa acid uric trong máu.

Vị chuyên gia này cũng lấy ví dụ, có trường hợp xét nghiệm thấy acid uric luôn ở mức 700 – 800 micromol/lít trong nhiều năm nhưng không có triệu chứng gì, không khởi phát cơn đau, mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Đây là tình trạng tăng acid uric máu không triệu chứng.

Với trường hợp của anh L, BS Hẳn cho rằng, bệnh nhân bị tăng acid uric do rối loạn chuyển hóa acid uric trong máu. Trường hợp này cần điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện, chưa cần dùng thuốc điều trị hạ acid uric.

Chế độ sinh hoạt lành mạnh, hạn chế nguy cơ mắc gout

Theo các bác sĩ, với trường hợp tăng acid uric máu không triệu chứng (tăng nồng độ acid uric máu nhưng không mắc bệnh gout) nên tìm và giải quyết các nguyên nhân và các yếu tố liên quan với tình trạng tăng acid uric máu như béo phì, tăng lipid máu, nghiện rượu, sử dụng các thuốc và đặc biệt là tăng huyết áp.

Làm gì khi khám sức khỏe thấy acid uric trong máu 'cao vọt'? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, theo TS Nguyễn Huy Thông, Chủ nhiệm Khoa Khớp, Bệnh viện 103, chế độ ăn lành mạnh và các biện pháp thay đổi lối sống cũng có vai trò quan trọng trong việc làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, giảm nồng độ acid uric máu, giảm nguy cơ bùng phát cơn gout cấp và hạn chế tiến triển bệnh gout.

Cụ thể, TS Nguyễn Huy Thông khuyến cáo, đối với bệnh nhân gout cũng như những người bị tăng acid uric máu không triệu chứng, cần tránh thức ăn là nội tạng động vật chứa nhiều nhân purin như gan, tụy và thận; hạn chế thịt đỏ, bao gồm trâu, bò, cừu, lợn và thủy hải sản chứa nhiều purin (cá cơm biển, cá hồi, cá mòi, sò điệp, cá bơn Na-uy, cua và tôm hùm).

Cùng với đó, tránh đồ uống, thức ăn có nhiều fructose như ngô, nước ngọt, bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh và thức ăn khác, hạn chế nước trái cây ngọt, đường, nước xốt, nước thịt và muối.

Hạn chế sử dụng rượu bia, chất kích thích vì uống nhiều rượu bia làm giảm bài tiết acid uric ra khỏi cơ thể, làm trầm trọng thêm tình trạng tăng acid uric cũng như nguy cơ lắng đọng các tinh thể urat gây ra gout. Một nghiên cứu đã chỉ ra, người uống hơn một lít bia mỗi ngày có nguy cơ bệnh gout cao gấp 2,5 lần so với người không uống.

Người bệnh được khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ sữa không có chất béo hoặc ít chất béo, ví dụ sữa chua, phô mai cottage và sữa tươi; tăng cường rau xanh, nhất là rau nhiều chất xơ, đồng thời uống nhiều nước để thải bỏ acid uric khỏi cơ thể tốt hơn. 

Ngoài ra, cần tăng cường tập luyện thể dục thể thao, giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra tốt hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Đặc biệt, các bác sĩ cũng khuyến cáo, những người có acid uric máu cao, dù chưa bị bệnh gout nhưng cũng không được chủ quan mà cần theo dõi chặt chẽ chỉ số acid uric của mình và chủ động tầm soát những bệnh lý chuyển hóa khác có liên quan, tránh biến chứng gây hại cho sức khỏe. 

Để chẩn đoán bệnh gout, các bác sĩ sẽ dựa theo tiêu chuẩn của Ilar và Omeract 2006.

Một số dấu hiệu cụ thể như: Có tinh thể urat trong dịch khớp; hạt tophi được chứng minh có chứa tinh thể urat.

Bên cạnh đó, có 6/12 triệu chứng sau: Viêm khớp tiến triển tối đa trong vòng một ngày; có hơn một cơn viêm khớp cấp; viêm ở một khớp; đỏ da vùng khớp viêm; sưng, đau khớp bàn ngón chân 1; viêm khớp bàn ngón chân 1 ở một bên; viêm khớp cổ chân 1 bên; tophi nhìn thấy được; tăng acid uric máu; sưng khớp không đối xứng; nang dưới vỏ xương, không khuyết xương (trên phim X-quang); cấy vi khuẩn trong dịch khớp âm tính.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *