Ở độ tuổi còn trẻ nhưng người bệnh bất ngờ ngừng tuần hoàn và qua đời một cách đột ngột.
Chia sẻ với VietNamNet, BSCKII Nguyễn Thế Huy, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E cho biết, đột tử do tim là cái chết đột ngột, bất ngờ do mất chức năng tim (ngừng tim đột ngột). Người đang khỏe mạnh đột ngột tử vong đa phần có nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý tim mạch.
Hơn 2 tháng trước, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E tiếp nhận bệnh nhân ngoài 40 tuổi nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, sau đó người bệnh đã ngừng tuần hoàn (đột tử). Dù được cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
BSCKII Nguyễn Thế Huy cũng dẫn thêm một trường hợp đột tử ở người trẻ khác. Đó là bệnh nhân 43 tuổi, quê ở Bắc Giang, được đưa tới Bệnh viện E cấp cứu do bị ngừng tuần hoàn. Trước đó, tại bệnh viện tuyến cơ sở, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn một lần được cấp cứu sốc tim.
Khi được chuyển tới bệnh viện E, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn 3 lần và được bác sĩ cấp cứu kịp thời. BS Thế Huy cho biết, khi làm các xét nghiệm chuyên sâu bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Brugada (tình trạng rối loạn nhịp tim nặng nề, hiếm gặp nhưng nghiêm trọng). Sau đó, bệnh nhân đã được cấy máy phá rung tim tự động để ngừa nguy cơ đột tử. Về tiền sử gia đình, người bệnh từng có anh trai và em trai mất đột ngột không rõ nguyên nhân khi còn rất trẻ.
Bác sĩ Thế Huy thăm khám cho bệnh nhân
BSCKII Nguyễn Thế Huy thông tin, đột tử cũng có liên quan đến yếu tố gia đình và thường gặp khi mắc hội chứng Brugada.
Về nguyên nhân gây ra đột tử, bác sĩ cho biết, với nhóm người trẻ tuổi và trung niên, đột tử thường liên quan tới bệnh lý tim mạch như: cơ tim phì đại, bệnh lý giãn động mạch trong tim, bệnh lý rối loạn dẫn truyền trong tim (Brugada) hoặc bệnh lý tim bẩm sinh.
Một vài nguyên nhân khác có liên quan tới bất thường mạch vành. Ở nhóm nguyên nhân này, bệnh nhân gặp đột tử thường diễn ra đột ngột, xảy ra bất kỳ lúc nào (vận động gắng sức, ngủ…). Nhóm người có bệnh lý tim mạch bị đột tử đa phần diễn biến đột ngột, không dấu hiệu báo trước.
BS Thế Huy khẳng định, khó có thể biết được triệu chứng đột tử. Tuy nhiên ở những người đã được cứu sống dù bị đột tử (nhóm có bệnh lý rối loạn nhịp) có chia sẻ lại, họ cảm thấy tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, mất ý thức rất nhanh.
Trong quá trình làm việc, BS Thế Huy đã cấp cứu cho một số trường hợp thoát khỏi đột tử có liên quan tới hội chứng Brugada – hội chứng có thể đe dọa tính mạng nhưng thường không gây ra triệu chứng hoặc dấu hiệu nào đáng chú ý.
Đặc biệt ở nhóm này xuất hiện choáng, ngất. Đi khám, bác sĩ phát hiện trên điện tim và có rối loạn nhịp nguy hiểm. Những bệnh nhân này sẽ có chỉ định cấy máy phá rung tim tự động. Nếu bệnh nhân có bất thường về nhịp tim, máy sẽ tự hoạt động khử rung tim.
Vì vậy BS Thế Huy lưu ý, với người khỏe mạnh trong gia đình có bố, anh trai hoặc em tử vong đột ngột không có nguyên nhân, nên đi kiểm tra có bất thường về tim mạch. Nếu tim có bất thường bác sĩ sẽ can thiệp sớm.
“Quá trình thăm khám, chúng tôi gặp rất nhiều bệnh nhân choáng, ngất khi vào viện tình cờ phát hiện ra mắc hội chứng Brugada. Sau đó, bệnh nhân được cấy máy khử nhịp, tránh được cơn đột tử. Phòng ngừa đột tử không khó nếu như bệnh nhân được phát hiện sớm bệnh lý tim mạch. Đối với những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, mạch vành cần phải kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, uống thuốc đúng và đủ liều, thăm khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ”, BS Huy nói.
Tương tự, BS Phạm Văn Chính – khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng khuyến cáo, đột tử là tình trạng tử vong đột ngột. Trong đó đột tử do tim là hay gặp nhất, nguyên nhân hàng đầu thường là do bệnh lý mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp tức là tình trạng động mạch cấp máu cho cơ tim bị vữa xơ, vôi hóa gây hẹp dần sau đó tắc đột ngột, hậu quả là dẫn tới ngừng tim.
Nếu trong gia đình có yếu tố nguy cơ cao như có người thân đột tử trẻ dưới 50 tuổi, giải phẫu tử thi không tìm thấy nguyên nhân, tiền sử hay bị ngất không rõ nguyên nhân, liên quan đến gắng sức hoặc cả lúc ngủ nghỉ, bạn nên đi thăm khám đánh giá về bệnh lý tim mạch. Đồng thời, bạn cần theo dõi định kỳ thậm chí làm các xét nghiệm chuyên sâu như xét nghiệm gen nếu có yếu tố nguy cơ cao để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh những biến cố đáng tiếc có thể xảy ra.