‘Hỗ trợ chữa lành, trị liệu ung thư, cải lão hoàn đồng’… là những mỹ từ người ta đang dành cho liệu pháp tế bào gốc. Nhiều người chi tiền tỷ để sang nước ngoài thực hiện kỹ thuật này, nhưng hiệu quả có như mong đợi?
Hiện có rất nhiều thông tin sai lệch và quảng cáo quá mức về hiệu quả của tế bào gốc như giúp chữa lành, điều trị ung thư, giảm tác dụng phụ, hạn chế các bệnh mạn tính như đái tháo đường tiến triển hoặc tái phát, cải lão hoàn đồng…
Những thông tin thất thiệt này đang làm nhiều người tiền mất tật mang hoặc bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt hơn. Một số trường hợp bệnh chuyển nặng khi đang theo đuổi trị liệu tế bào gốc, vì thế cũng cần cảnh báo rộng rãi.
Cho đến thời điểm này, chưa có đủ bằng chứng để khẳng định liệu pháp tế bào gốc có thể chữa hay hỗ trợ điều trị ung thư khác hoặc các bệnh mạn tính như đái tháo đường.
Dưới đây là những giải thích, khuyến cáo của TS.BS. Phạm Nguyên Quý, Trưởng khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nhật Bản về liệu pháp này:
1. Tế bào gốc là gì, có phải người ta đang cố tình “bơm thổi” công dụng của tế bào gốc?
Tế bào gốc là những tế bào đặc biệt trong cơ thể có khả năng tự nhân đôi (tái sinh) và phát triển (biệt hoá) thành nhiều loại tế bào khác nhau, từ tế bào cơ, da, tim… Nhờ khả năng này, chúng có thể sửa chữa các mô bị hư hỏng.
Tuỳ theo “tính gốc” và tiềm năng của chúng, người ta phân loại tế bào gốc thành tế bào gốc phôi thai, tế bào gốc trung mô (MSC), tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS)… trong đó tế bào gốc phôi là mạnh nhất và cũng dễ gây tranh cãi nhất về vấn đề đạo đức y học.
Việc sử dụng tế bào gốc trong nghiên cứu và điều trị y khoa là một lĩnh vực đang được quan tâm, có nhiều tiến bộ và tiềm năng lớn. Tuy nhiên, nó cũng đang gặp phải nhiều thách thức, tranh cãi và vẫn còn một khoảng khá lớn giữa lý thuyết và ứng dụng lâm sàng.
Trên thực tế, lợi ích của tế bào gốc trong việc điều trị một số bệnh cụ thể đã được chứng minh, ví dụ trong điều trị ung thư máu và ung thư hạch bạch huyết (lymphoma). Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có đủ bằng chứng để khẳng định liệu pháp tế bào gốc có thể chữa hay hỗ trợ chữa các loại ung thư khác hoặc các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường , bệnh Parkinson… như một số nơi đang quảng cáo.
Một số lỗi ngụy biện hay gặp là “Liệu pháp tế bào gốc tốt cho bệnh này thì chắc cũng tốt cho bệnh kia” và “Phương pháp X có hiệu quả trên chuột thì chắc cũng tốt cho người”. Khi tế bào gốc được kỳ vọng quá mức thì công hiệu hay được thần thánh hoá, thậm chí còn được cố tình “bơm thổi” vì lợi ích kinh doanh.
Nhiều khi một câu chuyện “thành công” của bệnh nhân (chưa rõ nhờ may mắn ngẫu nhiên hay do yếu tố khác) lại được lan truyền, khuếch đại làm người ta hiểu nhầm về hiệu quả. Thật ra, vì may mắn vẫn có thể xảy ra (không phải nhờ tế bào gốc) nên cần phải kiểm chứng công hiệu của phương pháp điều trị mới qua thử nghiệm lâm sàng, với nhóm đối chứng (cùng tình huống bệnh với tuổi tác, giới tính… tương đương nhưng không dùng tế bào gốc) công minh.
Về việc sử dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ với kỳ vọng kích thích mọc tóc, làm trẻ hóa da, cải lão hoàn đồng… thì hiện nay vẫn còn tranh cãi vì chưa đủ dữ liệu để đánh giá.
Hầu hết thông tin đều đến từ một số nghiên cứu thử nghiệm nhỏ lẻ hoặc từ nơi cung cấp dịch vụ dưới dạng truyện kể của khách hàng mang tính trải nghiệm cá nhân, nên giới khoa học còn hoài nghi về sự chính xác của nó.
2. Tiêm tế bào gốc không rõ nguồn gốc nguy hiểm thế nào?
Việc tiêm tế bào gốc không rõ nguồn gốc có một số nguy cơ và rủi ro tiềm ẩn như sau:
– Nguy cơ nhiễm trùng : Nếu tế bào gốc không được thu thập, xử lý và lưu trữ đúng cách, sinh phẩm đó sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bẩn bởi vi khuẩn, virus, nấm mốc và có thể có tác động xấu đến sức khỏe của người tiêm. Một số trường hợp nhiễm trùng máu sau khi truyền tế bào gốc đã được báo cáo.
– Nguy cơ phản ứng miễn dịch : Tế bào gốc không được quản lý tốt có thể gây ra phản ứng miễn dịch không mong muốn khi được tiêm vào cơ thể. Đó là vì hệ miễn dịch có thể nhận nhầm tế bào gốc hoặc dung dịch/chất bảo quản hay tạp chất đi kèm, là những vật lạ xâm nhập vào cơ thể và khởi động quy trình tấn công với loạt phản ứng rầm rộ có thể làm tổn thương cho chính người tiêm.
– Nguy cơ mắc ung thư : Mặc dù nguy cơ này là rất thấp nếu sử dụng sinh phẩm được quản lý đúng chuẩn, rủi ro bị ung thư liên quan tới tế bào gốc, vẫn hiện hữu ở những sinh phẩm kém chất lượng vì tế bào gốc có khả năng tăng sinh mạnh và khó kiểm soát. Nguy cơ này được cho là bắt nguồn từ hai yếu tố chính: Tế bào ung thư hình thành từ tế bào gốc đã được sử dụng và có lẫn tế bào ung thư (đã tồn tại từ trước) trong sinh phẩm.
– Nguy cơ mạo danh và lừa đảo : Đây là vấn đề lớn nhất của sinh phẩm không rõ nguồn gốc. Trên thực tế đã có những tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp tế bào gốc không đúng chuẩn hoặc không hề có hiệu quả, làm nhiều người tiền mất tật mang và nhận thêm các nguy cơ khác cho sức khỏe.
Vì các nguy cơ nói trên, việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị y khoa phải tuân thủ các quy định, quy trình và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Việc đảm bảo rằng tế bào gốc được thu thập từ nguồn tin cậy, được xử lý, lưu trữ và sử dụng đúng cách là rất quan trọng vì sự an toàn của người bệnh.
Tại Nhật, các hiệp hội nghiêm cấm quảng cáo liệu pháp tế bào gốc với từ khóa “Chống lão hoá” mặc dù đây đang là thị trường tiềm năng cho ngành thẩm mỹ.
3. Nguyên nhân tình trạng tiêm tế bào gốc tràn lan không kiểm soát?
Đầu tiên, cần nhắc đến yếu tố chủ quan từ bệnh nhân và người thân. Do không đủ kiến thức y khoa nền tảng, nhiều trường hợp không hiểu đúng bệnh tình của mình dẫn đến hành động sai. Hậu quả là người bệnh và cả gia đình dễ bị lung lạc bởi các tuyên bố, quảng cáo quá tay với các mỹ từ “chữa lành”, “tăng miễn dịch”…
Về yếu tố khách quan, cần nhắc đến tình trạng thiếu kiểm soát, xử phạt các đơn vị quảng cáo y tế không đúng sự thật, dùng ngôn từ khéo léo như “hỗ trợ chữa lành” một cách chung chung. Thật ra, nếu không có bằng chứng khoa học xác đáng do Bộ Y tế công nhận thì không được tự do tung hô công dụng “hỗ trợ chữa bệnh hay phòng bệnh”.
4. Khuyến cáo của bác sĩ
Trên thực tế, vẫn có những tình huống bệnh mà y học hiện đại không giúp ích được nhiều, bác sĩ không có quyền cấm cản bệnh nhân hành động theo niềm tin hay quan điểm của mình. Tuy nhiên, để điều trị tế bào gốc theo hình thức tự do, tự trả phí, chúng ta cần cân nhắc một số yếu tố như sau:
– Chi phí và hiệu quả : Đây là loại điều trị đắt đỏ và việc tự trả phí có thể tạo ra gánh nặng tài chính lớn cho cả gia đình người bệnh. Vì thế, trước khi quyết định điều trị, hãy đánh giá kỹ chi phí bỏ ra so với hiệu quả thật sự của liệu pháp. Đôi khi, việc trả một ít chi phí, hỏi ý kiến thứ hai từ bác sĩ chuyên khoa lại có thể giúp tiết kiệm hàng trăm triệu đồng.
– Lựa chọn trung tâm điều trị : Người bệnh tự trả phí nên có thể tự do lựa chọn nơi điều trị tế bào gốc tại nước ngoài. Tuy nhiên, việc đánh giá và chọn lựa trung tâm phù hợp, có uy tín và tuân thủ quy định về tế bào gốc là rất quan trọng. Cần tìm hiểu danh sách các trung tâm uy tín, kiểm tra các giấy phép và chứng chỉ, kinh nghiệm và thành tích điều trị của trung tâm đó.
– Chất lượng và an toàn : Vì sinh phẩm tế bào gốc và cả quy trình điều trị có thể không đảm bảo chất lượng hoặc an toàn tuyệt đối, bệnh nhân cần tìm hiểu chi tiết về nguồn gốc của tế bào sử dụng, quy trình lấy tế bào, cũng như phương pháp xử lý và lưu trữ chúng.
– Quy định và hậu quả pháp lý : Vì mỗi quốc gia có quy định và xử trí pháp lý riêng về điều trị tế bào gốc, cần tính tới cả trường hợp không có hiệu quả như mong muốn hoặc gặp tác dụng phụ bất ngờ. Khi sang nước ngoài, bệnh nhân cần lưu lại các hồ sơ giải thích, văn bản xác nhận (dịch có công chứng) để có thể sử dụng khi có tranh chấp sau khi điều trị.
– Truyền tế bào gốc không rõ nguồn gốc có rất nhiều rủi ro . Hơn nữa, quá tin vào tế bào gốc có thể làm gián đoạn hoặc chậm trễ việc điều trị bằng phương pháp tốt hơn, khiến bệnh nặng hơn. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân và người nhà cần tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ, chuyên gia để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Nếu vẫn muốn thử dùng tế bào gốc, nên hỏi kỹ để chọn ra trung tâm có uy tín và tuân thủ quy định về liệu pháp tế bào gốc.