Trước tình hình ảm đạm của kinh tế, nhiều người trẻ Trung Quốc đã quay trở lại với lối sống “nằm yên” phổ biến trước đó.
Thà ít tiền còn hơn bận rộn
Chu Yi (23 tuổi), một cô gái đến từ Thượng Hải, Trung Quốc đã lựa chọn lối sống “nằm yên” do tình hình kinh tế ảm đạm. Được biết “nằm yên” là một thuật ngữ được dùng để mô tả những người chỉ làm việc đủ để tồn tại và muốn dành thời gian cho những sở thích của họ, thuật ngữ này giờ đây được sử dụng như một triết lý, một lối sống của một số người trẻ tại quốc gia này.
Với Chu Yi, trước đây cô đã từng làm việc tại một công ty thời trang nhưng cô đã nghỉ việc cách đây hai năm vì thường xuyên phải làm thêm giờ và không có mối quan hệ tốt với sếp của mình. Hiện tại, Chu làm việc tại nhà chỉ 1 ngày/tuần cho một công ty du lịch và công việc này cho cô rất nhiều thời gian để học các khóa học nhằm theo đuổi đam mê làm nghệ sĩ xăm hình chuyên nghiệp.
Tất nhiên, Chu Yi không phải là người trẻ duy nhất đang lựa chọn lối sống này. Mặc dù không có dữ liệu cụ thể về số lượng người trẻ Trung Quốc chọn bỏ qua những công việc văn phòng truyền thống nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tại quốc gia này đã tăng lên mức cao kỷ lục là 21,3% vào tháng 6/2023.
“Đối với tôi, việc làm không có nhiều ý nghĩa. Hầu hết đi làm đều là để hoàn thành công việc cho quản lý và làm cho quản lý hài lòng. Vì vậy, tôi quyết định không muốn làm việc” – Chu Yi cho biết.
Thế hệ bi quan nhất
Tại Trung Quốc, hiện có 280 triệu thanh niên ở độ tuổi từ 14 đến 30 tuổi và các cuộc khảo sát đều cho thấy thế hệ này là nhóm bi quan nhất trong tất cả các nhóm tuổi trong cả nước và việc giúp cho thế hệ này có cái nhìn lạc quan hơn về công việc, xã hội,… trong bối cảnh kinh tế ảm đạm là thách thức lớn đối với quốc gia này.
Chu Vân, trợ lý giáo sư xã hội học tại Đại học Michigan, cho biết mặc dù có vẻ như một số thanh niên không mặn mà với cuộc đua “thăng tiến” trong công ty, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không bi quan về tương lai.
Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và thị trường lao động vẫn thắt chặt, “thách thức sâu sắc đối với những người trẻ tuổi là vượt qua việc bất bình đẳng xã hội cứng nhắc, thắt chặt kiểm soát chính trị và triển vọng kinh tế mờ mịt” – ông Chu nói.
Tất cả những điều này kết hợp lại đang khiến những người trẻ như Chu ưu tiên hạnh phúc và lợi ích của bản thân hơn cái mà cô gọi là “áp lực vô hạn” từ công việc tại công ty. Chu cho biết hiện tại cô hạnh phúc hơn rất nhiều và tin rằng sự lựa chọn của mình là “đáng giá”.
“Mức lương hiện tại của tôi dù không nhiều nhưng cũng đủ trang trải chi phí hàng ngày. Với tôi, thời gian rảnh rỗi có giá trị hơn nhiều ngàn vạn”.
Theo Thanh Tâm (Phụ Nữ Mới)