GĐXH – Theo đó có 20 bệnh viện đạt chứng nhận vàng, 9 bệnh viện đạt chứng nhận bạch kim và 7 bệnh viện đạt chứng nhận kim cương.
Tại Chương trình sinh hoạt khoa học “Quản lý chất lượng Đơn vị đột quỵ năm 2023” được tổ chức tại TPHCM từ ngày 18-20/8, GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian – Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới đã trao giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) cho 36 bệnh viện trên cả nước. Theo đó có 20 bệnh viện đạt chứng nhận vàng, 9 bệnh viện đạt chứng nhận bạch kim và 7 bệnh viện đạt chứng nhận kim cương.
Được biết, WSO Angels Awards là giải thưởng mà Hội Đột quỵ Thế giới (W.S.O) dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu. Khi đưa ra các tiêu chuẩn và trao tặng các chứng nhận này cho các đơn vị đột quỵ, Tổ chức Đột quỵ thế giới mong muốn sẽ đưa được những thành tựu của y học vào thực tiễn, để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ theo khuyến cáo chung của các Hội Đột quỵ chuyên ngành trên thế giới.
Bệnh viện E là một trong 36 đơn vị được nhận giải thưởng năm 2023. Đây là lần thứ 3 liên tiếp bệnh viện vinh dự được nhận giải thưởng này.
Để được nhận các giải thưởng này trong điều trị đột quỵ, cần đạt các tiêu chí do WSO đề ra về hệ thống cấp cứu, về nhân lực, trang thiết bị, tiêu chuẩn vàng trong điều trị nhồi máu não, tái thông mạch máu, được chẩn đoán và điều trị, can thiệp kịp thời… Điều quan trọng nhất là chứng nhận do Hội Đột quỵ Thế giới trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn không có hiệu lực vĩnh viễn. Thay vào đó, tổ chức này sẽ đánh giá chất lượng theo từng quý, nếu đủ tiêu chuẩn vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe mới được “tái cấp”.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam cho rằng nước ta có bước tiến lớn trong việc quản lý chất lượng đột quỵ như chuẩn hóa các chương trình đột quỵ, xây dựng thêm nhiều đơn vị đột quỵ…
Hiện cả nước có hơn 100 trung tâm đột quỵ. Điều này mang lại lợi ích rất lớn cho bệnh nhân đột quỵ, mang lại cơ hội phục tốt hơn nhờ những giải pháp điều trị, các bác sĩ – điều dưỡng được đào tạo chuyên nghiệp trong việc chăm sóc bệnh nhân cũng như phục hồi chức năng sau đột quỵ. Qua đó góp phần làm giảm gánh nặng gia đình, xã hội, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đột quỵ.
Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam tin rằng thời gian tới nước ta có thêm nhiều trung tâm đột quỵ và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân đột quỵ.
Cũng theo PGS Thắng, cấp cứu ngoại viện (trong đó có bệnh nhân đột quỵ) còn nhiều khó khăn mà không thể thay đổi như giao thông. Bên cạnh đó nhân viên y tế thực hiện cấp cứu ngoại viện chịu sức ép rất lớn, trong khi thu nhập thấp.
GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian – Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới (thứ 7 từ trái sang) cùng đại diện nhiều bệnh viện trên cả nước đạt chuẩn chất lượng điều trị của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) – Ảnh: X.MAI
Về tình hình đột quỵ thế giới, GS.TS.BS Jeyaraj Durai Pandian cho hay đột quỵ là gánh nặng toàn cầu, với khoảng 12 triệu ca đột quỵ mới mỗi năm. Cứ 4 người thì có 1 người có nguy cơ bị đột quỵ một lần trong đời.
Theo số liệu thống kê, Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu trung bình cấp cứu từ 50 -70 ca/tháng, cao điểm có 80-100 ca/tháng… Trong đó tỷ lệ tắc mạch máu não chiếm 61%, xuất huyết não là 15 % và còn lại là các dạng giả đột quỵ khác như hạ đường huyết, rối loạn tiền đình… Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, dù là đang làm việc gắng sức hay nghỉ ngơi. Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt; để bảo đảm “thời gian vàng”, nhằm giảm thiểu những nguy hiểm cận kề có thể xảy ra. Điều đáng nói, chỉ có 21% số người bệnh vào viện cấp cứu trong “thời gian vàng”; 52% người bệnh đến cấp cứu qua “thời gian vàng” để sử dụng các phương pháp điều trị tái tưới thông mạch máu như dùng thuốc tiêu huyết khối, can thiệp lấy huyết khối…
Các đại biểu tạị Hội thảo