Từ thời điểm ra tết, tình trạng bệnh nhân bị tim mạch tăng đột biến 20-30% so với thường lệ khiến các y bác sĩ khá vất vả trong điều trị.
Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trung ương (TTTM BVTW) Huế tăng thêm giờ làm, bố trí phẫu thuật cả ngày nghỉ xử lý ca bệnh.
Người bệnh chờ đến lượt khám tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng tim mạch
Tăng kể cả nội trú lẫn ngoại trú
TTTM những ngày này luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh nhân (BN) tăng đột biến kể cả ngoại trú, nội trú; điều trị tim mạch can thiệp, điều trị nội khoa, phẫu thuật…
Bộ phận khám bệnh bình quân mỗi ngày tiếp đón 400 BN nay tăng lên 600 bệnh; bệnh can thiệp cao điểm xử lý 25-30 trường hợp; nội khoa có ngày phục vụ 180 BN, tăng 40 bệnh so với ngày thường; phẫu thuật 8-10 trường hợp (5-6 ca mổ tim hở)/ngày, danh sách chờ mổ nhiều lên. Đó là những thông tin báo cáo được chuyển về ban giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phục vụ điều hành công việc hàng tuần.
Thời điểm chúng tôi đến, Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng tim mạch tại TTTM phủ kín người. Các nhân viên y tế đọc tên người khám liên tục, phân loại đối tượng ưu tiên nhằm điều tiết bệnh về các phòng kịp thời.
Bà Nguyễn T.H. (SN 1960) ở Phú Lương, Phú Vang chờ đến lượt khám kể: “Giáp tết tui phải bắt taxi cấp cứu lên BVTW Huế nằm một tuần. Vì bị suy tim nên mỗi tháng đi khám một lần. Thời tiết thay đổi xoành xoạch thế này thở không nổi o ơi. May có bảo hiểm y tế, uống thuốc và điều trị mới đỡ”.
Cũng tái khám, BN Đặng D. (SN 1943 ở TX. Hương Thủy) chờ đến lượt siêu âm chia sẻ: “Hơn 10 năm trước tui đã phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành. Giờ cứ nhận thuốc uống và kiểm tra hàng tháng cho yên tâm. Ở đây điều trị tốt, cán bộ phục vụ nhiệt tình chu đáo. Nếu các BV trong toàn quốc mà được như thế này thì người bệnh đỡ lo”.
Tại Khoa Ngoại lồng ngực, phòng cấp cứu đã kín giường bệnh, trong số này có bà Đặng Thị C. ở Phú Lộc (SN 1953). Cuối tháng 2/2024, bà C. nhập viện vào TTTM các biểu hiện đau ngực sau xương ức, cơn đau kéo dài 5-10 phút; đau lan cứng hàm… do hở van tim, thiếu m.áu cục bộ. Tuy cơn đau xuất hiện sớm nhưng vì chủ quan, kiêng cữ ngày tết không đi khám bệnh nên tình trạng diễn biến nặng hơn. Hiện các BS đang cho bà C. truyền thuốc, ổn định huyết áp mới tiến hành phẫu thuật.
Nằm cạnh bà C. là BN Nguyễn Thị N. (SN 1963) ở Quảng Nam vừa trải qua phẫu thuật 10 ngày vì bị hở van 3 lá 3/4: “6 tháng trước bị cảm đi khám tại địa phương, họ nghi ngờ tui bị bệnh tim. Siêu âm, chụp phim tại Đà Nẵng kết quả là hở van tim, chỉ định phẫu thuật. Sau khi tìm hiểu, tham khảo, tôi quyết định ra Huế điều trị, phẫu thuật vì nơi đây có máy móc phương tiện hiện đại, nhiều BS giỏi”.
Chăm sóc, theo dõi bệnh nhi sau phẫu thuật tim Trong số các ca bệnh nặng, Khoa Gây mê hồi sức tim mạch có nhiều bệnh nhi sơ sinh được theo dõi đặc biệt.
BN Diệp T.D. ở Quảng Bình mới vài ngày t.uổi bị suy hô hấp, chuyển vị đại động mạch vừa được phẫu thuật, đang thở mặt nạ o xy, được chăm sóc cấp I sau mổ. Bé D. được các điều dưỡng túc trực, cho ăn sữa, theo dõi thường xuyên.
Cùng phòng có BN Nguyễn T.T. 6 tháng t.uổi là con đầu của chị Nguyễn Thị T.Tr. tại TP. Huế. T. bị thông liên thất, tăng áp phổi, suy tim từ khi sơ sinh. Bé được chỉ định tái khám hàng tháng và vừa nhập viện phẫu thuật xong. Chị Tr. nói rằng gia đình chị rất tin tưởng và hài lòng vì sau điều trị, nhịp thở cháu tốt hơn trước nhiều.
TS.BS. Hồ Anh Bình, Giám đốc TTM cho rằng, xu hướng ngại đi khám, nhập viện dịp tết nên người dân có tâm lý chờ ra tết mới đến BV phẫu thuật, can thiệp tim mạch. Do đó, có ca khi vào đã ở tình trạng nặng, khó xử lý.
Một lý do khách quan khác là ban giám đốc BV tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc BN; Tạo điều kiện cho nhiều BS đi học, nâng cao kiến thức, cung cấp trang thiết bị hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tăng thu hút nhiều BN trong cả nước…
Làm thêm trưa, tối và ngày nghỉ
Là TTTM quy mô hoàn chỉnh ở Việt Nam, TTTM BVTW Huế có 342 giường bệnh; 5 phòng mổ tim hở; 2 phòng can thiệp tim mạch; 34 giường hồi sức với các máy móc hiện đại đáp ứng tốt với yêu cầu thực tế hiện nay. Trong năm 2023, TT thực hiện hơn 5.300 ca can thiệp tim mạch, phẫu thuật hơn 1.700 ca, tăng so với năm trước.
Thời gian qua, TT đã có những bước tiến trong chẩn đoán nhờ trang thiết bị hiện đại: CT 512 lát cắt, máy siêu âm 3D, 4D.
Từ chẩn đoán chính xác, việc tìm hướng điều trị cho BN cũng tốt hơn. Nhiều kỹ thuật mới được trung tâm triển khai: Hồi sức tim và hỗ trợ tuần hoàn cơ học; Can thiệp động mạch chủ và phẫu thuật Hybrid stent graft; Điện sinh lý, tái đồng bộ cơ tim, can thiệp các tổn thương khó, phức tạp; Siêu âm tầm soát bệnh lý tim mạch ở thai nhi, điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh phức tạp bằng can thiệp và phẫu thuật.
Theo định hướng, đội ngũ bác sĩ sẽ triển khai kỹ thuật mới trong can thiệp động mạch vành, cập nhật áp dụng các phương pháp và hướng dẫn điều trị nội khoa mới… góp phần nâng cao chất lượng điều trị.
Tăng nhân lực xử lý hồ sơ bệnh án tại Khoa Ngoại lồng ngực những ngày bệnh đông
Trước tình trạng BN nhập viện tăng hơn những năm trước, Điều dưỡng trưởng CKI Nguyễn Thị Cúc Nhật, Khoa Ngoại lồng ngực Trung tâm tim mạch (TTTM) cho hay: “Hiện khoa có 120 bệnh đang điều trị, tăng 20 bệnh so với thường ngày.
Có hôm chúng tôi tiếp nhận 30-40 ca, nhiều ca rơi vào tình trạng lập thủ tục mổ cấp cứu càng sớm càng tốt, trưa nhập viện có thể tối lên bàn mổ ngay. Thời điểm bệnh đông, bộ phận điều dưỡng phải làm thêm giờ, tăng thêm lực lượng hỗ trợ các kíp trực xử lý ca bệnh nặng”.
TS.BS. Hồ Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch thông tin: “Ban giám đốc TTTM cũng như các trưởng khoa, phòng ưu tiên tạo mọi điều kiện cho BN, như tăng số phòng khám tăng lên 12 phòng nhằm giảm áp lực; tăng máy siêu âm từ 4 lên 9 máy. Chúng tôi tổ chức làm thêm ngoài giờ buổi trưa, chiều tối, ngày thứ 7 nhằm giải quyết các trường hợp phát sinh nên tỷ lệ BN hài lòng cao. Về phẫu thuật, các kíp thực hiện cả buổi đêm, thậm chí ngày nghỉ cuối tuần”. “Rất nhiều bệnh nặng so với đợt trước do đến BV muộn, quên uống thuốc, không đến đúng hẹn, có trường hợp không thể cứu vãn như suy tim quá nặng, quá giai đoạn phẫu thuật”, TS Bình nói thêm.
TS Anh Bình cũng khuyên các BN phải chú trọng sức khỏe, tuân thủ lịch khám và điều trị, uống thuốc theo chỉ định. Thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay cần lưu ý vấn đề huyết áp; dùng đúng thuốc, đúng đơn đã kê, hạn chế rượu bia, vui chơi quá đà.
Đột quỵ gia tăng sau Tết
Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều bệnh viện tiếp nhận số ca đột quỵ gia tăng, có nơi còn quá tải bệnh nhân cần can thiệp cấp cứu.
Đột quỵ là nguyên nhân gây t.ử v.ong thứ hai sau tim mạch và ung thư.
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, những dịp lễ, Tết thường số lượng bệnh nhân đến cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển tuyến nhiều hơn, tuy nhiên chưa năm nào tăng đột biến như năm nay, tình trạng quá tải xảy ra ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán.
Chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết, Khoa Đột quỵ não tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu và bệnh nhân nặng chuyển từ tuyến dưới lên. Ngày cao điểm nhất đã tiếp nhận 15 bệnh nhân, tăng 20-30% so với ngày thường. Trong đó có 28 bệnh nhân cần can thiệp nội mạch cấp cứu (16 ca nhồi m.áu não sớm can thiệp lấy huyết khối, 12 ca xuất huyết dưới nhện can thiệp nút túi phình động mạch), và 5 bệnh nhân xuất huyết não cần phẫu thuật cấp cứu.
Theo BS Tuyến, khí hậu thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ; một số bệnh nhân dừng không uống thuốc điều trị huyết áp (đặc biệt là bệnh nhân trẻ) hoặc không tuân thủ các thuốc điều trị huyết áp như ngày thường cũng là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ gia tăng.
Bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trước và sau Tết Nguyên đán đã tiếp nhận gia tăng số ca cấp cứu do đột quỵ, có ngày tiếp nhận gần 20 ca, trong đó có nhiều người trẻ. Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, trước Tết có các đợt rét đậm, trời lạnh khiến áp lực dòng m.áu tăng cao, nhiều người tăng huyết áp đột ngột gây đột quỵ. Ngoài ra, thay đổi nhiệt độ gây co mạch, môi trường lạnh khiến nhiều người mắc các bệnh n.hiễm t.rùng hơn là nguyên nhân gây ra đột quỵ não.
Theo các bác sĩ, nguy cơ đột quỵ tăng theo t.uổi, nhất là những người trên 64 t.uổi, nhưng ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ). Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích, đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì cũng như các bệnh lý khác.
Giám đốc Trung tâm Đột quy cũng cho biết thêm, tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%. Điều đó có nghĩa, cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát. Còn theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ, 10% những người bị đột quỵ não phục hồi gần như hoàn toàn; 25% phục hồi với những khiếm khuyết nhỏ và 40% khác trải qua các khiếm khuyết từ trung bình đến nặng, cần được chăm sóc đặc biệt.
Để phòng tránh đột quỵ não, TS.BS Nguyễn Văn Tuyến khuyến cáo, người trẻ t.uổi có bệnh nền nên thực hiện lối sống lành mạnh và đặc biệt tuân thủ chế độ dùng thuốc khi điều trị bệnh nền như tăng huyết áp để tránh hậu quả khôn lường đến từ nguy cơ đột quỵ não. Đồng thời đo huyết áp thường xuyên và nhớ số đo huyết áp như nhớ số t.uổi của mình.
Đặc biệt, người dân cần có kiến thức nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ để đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời, giảm được di chứng tàn tật sau này. Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng. Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như: Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng; mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn; khuôn mặt bị mất cân đối, chạy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch; cơ thể mệt mỏi, không còn sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người; giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường. Khi bắt gặp các triệu chứng trên, hãy gọi ngay số cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.