Ăn nhẹ trước khi chạy là thói quen tốt để cung cấp năng lượng giúp buổi tập hiệu quả, tuy nhiên hãy tránh 3 món sau vì có thể gây ảnh hưởng.
Để khỏe mạnh và sống thọ, các chuyên gia khuyên mọi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Bên cạnh tập gym, yoga, aerobic… thì chạy bộ chính là phương pháp vận động được nhiều người thích nhất. Đơn giản vì nó dễ làm, phù hợp mọi lúc mọi nơi mà hiệu quả mang lại cũng cao.
Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy những người chạy bộ có tỷ lệ tử vong thấp hơn khoảng 25-30% so với những người không chạy bộ. Môn thể thao này cũng giúp duy trì vóc dáng, giảm đau xương khớp, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện chức năng nhận thức… và đặc biệt là giảm nguy cơ ung thư xuống thấp.
Chạy bộ là phương pháp vận động đơn giản, rẻ tiền được nhiều người yêu thích.
Nhìn chung, chạy bộ mang theo nhiều lợi ích sức khỏe mà bạn không nên bỏ qua. Trước khi tập, nhiều người thường hay ăn nhẹ với các thực phẩm khác nhau để bổ sung năng lượng. Tuy nhiên theo Sara Angle – nhà báo kiêm huấn luyện viên tại New York (Mỹ), có 3 món bạn không nên ăn trước khi chạy bộ vì sẽ gây cồn cào trong người, thậm chí mất luôn hiệu quả buổi tập.
3 thực phẩm không nên ăn trước khi chạy bộ kẻo gây hại
1. Các món chứa nhiều chất béo
Nhiều người nghĩ trước khi chạy nên ăn đồ giàu năng lượng, nhiều chất béo thì mới có sức. Tuy nhiên các món như bơ, thịt đỏ, phô mai, đồ chiên nướng… đều mang tính chất khó tiêu, cơ thể cần rất nhiều năng lượng mới tiêu hóa được hết. Càng ăn nhiều thì cơ thể càng nặng nề, nhanh thấy mệt, đau tức bụng, tim đập nhanh… khi chạy bộ.
Sara khuyên mọi người nên lựa chọn đúng thực phẩm để bổ sung năng lượng trước khi chạy. Các món béo còn làm quá trình rỗng dạ dày bị trì hoãn, ảnh hưởng đến thời gian thức ăn di chuyển từ dạ dày đến ruột non. Từ đó làm gián đoạn quá trình tiêu hóa và cung cấp dinh dưỡng cho các cơ, khiến việc chạy bộ mất tác dụng.
Đồ chiên dầu chưa bao giờ là tốt với sức khỏe, bạn nên lưu ý hạn chế ăn.
2. Sữa
Lactose trong các loại sữa là một chất khó dung nạp. Thế nhưng rất nhiều người vẫn chuộng uống sữa để xoa dịu cơn đói trước khi chạy và tăng thêm năng lượng khi chạy bộ. Điều này vô tình gây ra tình trạng đau bụng, cồn cào, tiêu chảy… hay thậm chí nôn ói trong khi chạy.
Giải thích cho điều này, Sara cho biết khi chúng ta chạy bộ thì phần bụng đang bị kích thích rất mạnh do hoạt động của thân dưới. Dĩ nhiên lúc này tình trạng tiêu hóa cũng không ổn định và yếu hơn bình thường, nếu uống sữa vào chỉ làm tăng thêm tình trạng khó tiêu và mệt mỏi hơn.
Uống sữa tốt cho sức khỏe nhưng cần tránh uống ngay trước khi chạy bộ.
3. Các món giàu chất xơ
Chất xơ trong các loại rau củ, trái cây, ngũ cốc… là loại hợp chất tốt cho sức khỏe. Chúng có khả năng làm giảm cholesterol và điều hòa lượng đường trong máu, đặc biệt tốt cho người ăn kiêng nhờ công dụng hút nước, kích thích nhu động ruột và tạo cảm giác no lâu, hạn chế ăn vặt và giữ dáng hiệu quả.
Tốt là vậy nhưng bạn không nên ăn các món giàu chất xơ trước khi chạy bộ. Cụ thể, chất xơ sẽ tạo ra khối lượng bã trong cơ thể và gây tình trạng xóc bụng, đầy bụng khó chịu khi chúng ta đang chạy. Những chất xơ không tan trong nước như yến mạch, lúa mạch… còn làm bệnh tình trầm trọng hơn.
Chất xơ khó tiêu nên cần hạn chế ăn ngay trước khi chạy bộ.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi chạy là “chìa khóa” giúp bạn nhanh chóng đạt được mục đích. Việc này sẽ giảm thiểu mệt mỏi và tăng tốc độ phục hồi, tuy nhiên cần làm việc gì thì không phải ai cũng biết. Theo Daniel Bubnis – chuyên gia dinh dưỡng tại Pennsylvania (Mỹ), bạn nên lưu ý những việc như sau khi chạy bộ để tăng hiệu quả tập luyện:
– Nhìn thẳng khi chạy bộ: Cách chạy bộ đúng cách quan trọng mà nhiều người thường bỏ qua đó chính là tầm nhìn khi chạy. Mắt nên nhìn thẳng về phía trước và tập trung vào mặt đất cách bạn khoảng 3-6m.
– Không bước chân quá cao khi chạy: Bước chân cao cũng đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ bật nhảy lên khi đang chạy. Đầu và cơ thể lúc này sẽ di chuyển lên xuống quá nhiều gây lãng phí năng lượng, dẫn đến việc bị sốc khi tiếp đất và chân có thể nhanh mỏi hơn.
– Nên thả lỏng tay khi chạy: Bạn nên giữ cho cánh tay và bàn tay của mình thư giãn nhất có thể và tránh siết chặt bàn tay thành nắm đấm. Nếu không thì sẽ làm tăng áp lực lên bàn tay lên cánh tay, vai và cổ gây đau nhức.
– Không vung tay quá mạnh khi chạy: Bạn không nên vung tay quá mạnh ra giữa ngực khi chạy vì sẽ làm bạn không kiểm soát được hơi thở nhịp nhàng. Trạng thái hít thở không đúng cách còn làm tăng nguy cơ bị chuột rút và sốc hông.